Nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường chỉ nghĩ đến Đà Lạt, thành phố mờ sương, thành phố của tình yêu. Nhưng lại ít ai nhớ đến cao nguyên Pleiku, nơi có “đôi mắt Pleiku” mang vẻ đẹp yêu kiều nên thơ của hồ, xanh mướt của rừng cây và rực rỡ của nắng.

Pleiku – thành phố có diện tích lớn thứ ba ở khu vực Tây Nguyên – là một trong những điểm đến mà bất kỳ ai phải lòng với núi rừng đều không thể bỏ qua. Hãy cùng khám phá thành phố cao nguyên với cảnh sắc hùng vĩ, hoang sơ những không kém phần thơ mộng qua những địa điểm sau nhé

Biển hồ Pleiku

bien-ho-pleiku-khung cảnh thơ mộng
Biển hồ Pleiku, khung cảnh thơ mộng

Biển Hồ Pleiku còn được gọi là “đôi mắt Pleiku”. Đây là một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi bạn ghé thăm thành phố này. Cách thành phố 7 km về phía Tây Bắc, Biển Hồ nằm lặng lẽ giữa một vùng núi cao, khoác lên mình màu xanh ngọc bích khiến bất kỳ ai ghé thăm cũng dễ phải lòng.

Biển hồ còn có nhiều tên gọi khác như: hồ Tơ Nưng, hồ Ea Nueng, hồ Tơ Nueng. Biển Hồ xưa kia từng là một miệng núi lửa, nhưng đã ngừng hoạt động từ mấy triệu năm trước. Mọi người gọi là Biển Hồ vì diện tích hồ rất rộng, lên tới 228 ha. Hồ bao quanh bởi những rừng thông và rặng núi. Vào mùa mưa, mặt nước có thể lan rộng ra trên 400 ha.

Con đường mòn và rừng thông ngập nắng

Pleiku hoang sơ với hàng thông lá kim trăm tuổi
Pleiku hoang sơ với hàng thông lá kim trăm tuổi

Một điểm nhấn lên vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng của Biển Hồ chính là con đường mòn trong rừng thông ngập nắng dẫn lối xuống tượng Quan Thế Âm Bồ Tát của Biển Hồ. Cách đó không xa, tầm 2 km về phía Bắc Biển Hồ là nương chè hương thơm ngào ngạt. Đến đây, bạn sẽ được tận hưởng mùi lá chè non xanh mởn dưới nắng và tràn đầy sức sống. Cuối Đông đầu Xuân là thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm nơi này. Vì khi đó, hoa cà phê nở rộ và hoa dã quỳ khoe sắc.

Dọc theo đồi chè chính là hàng thông lá kim trăm tuổi trải dài gần 1 km. Rừng thông luôn một vẻ đẹp thơ mộng không thể lột tả. Tản bộ dưới hàng thông, ta có cảm giác như mọi lo âu của cuộc sống thường ngày đều tan biến, chỉ còn lại tâm hồn bình yên hòa mình với thiên nhiên.

Núi lửa Chư Đăng Ya

Núi lửa Chư Đăng Ya
Núi lửa Chư Đăng Ya

Bạn hãy ngắm nhìn cánh đồng lau trải dài cùng với những vết tích còn sót lại của ngọn núi lửa đã từng hoạt động. Chư Đăng Ya mang một vẻ đẹp quyến rũ rất riêng. Nó luôn để lại ấn tượng đặc biệt với những ai đã từng ghé thăm. Khi hoa dã quỳ nở rộ trên triền đồi, hãy chiêm ngưỡng vẻ đẹp trù phú và rực rỡ của ngọn núi này.

Đồi cỏ hồng

Đồi cỏ hồng - khung cảnh thơ mộng và lãng mạn
Đồi cỏ hồng – khung cảnh thơ mộng và lãng mạn

Cỏ Đuôi Chồn còn được gọi là cỏ Hồng vì đặc tính đổi màu khi thời tiết trở lạnh. Những bông hoa sẽ đổi sang màu hồng ánh tím khiến cho khung cảnh trở nên thơ mộng và lãng mạn. Bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của cánh đồng này ở các địa điểm như thung lũng cỏ hồng ở huyện Đak Đoa, núi Đá và rừng thông trên đường ra cửa khẩu Lệ Thanh ở huyện Đức Cơ.

Khi những ánh nắng buổi chiều buông xuống, Đồi Cỏ Hồng sẽ còn trở nên lãng mạn hơn gấp nhiều lần.

Xem thêm: 5 địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam

Chùa Bửu Minh

Chùa Bửu Minh mang dáng dấp riêng biệt đặc trưng của Tây Nguyên

Cuối con đường hàng thông trăm tuổi là chùa Bửu Minh. Ngôi chùa hiện ra với vẻ trang nghiêm và an bình nằm giữa đồi chè xanh mướt. Ngôi chùa không chỉ là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc chùa miền Bắc và miền Trung. Mà còn mang dáng dấp riêng biệt đặc trưng của Tây Nguyên. Đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời ở Gia Lai vẫn giữ lại nhiều kiến trúc và phong cảnh xưa.

Chùa Minh Thành

Chùa Minh Thành có kiến trúc đặc sắc

Chùa Minh Thành có kiến trúc đặc sắc, là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Nhật Bản và Trung Quốc. Công trình tiêu biểu của ngôi chùa chính là Bảo Tháp Xá lợi 9 tầng ẩn hiện dưới hàng dương liễu. Ngoài ra, ở trước khu chánh điện còn có 18 vị la hán cùng với các kiến trúc đặc trưng khác như trai đường, giảng đường, tàng kinh cát…

Nét ẩm thực đặc sắc

Ẩm thực đặc trưng, riêng biệt chính là nét cuốn hút du khách khi ghé thăm vùng đất đỏ bazan. Bạn có thể thử món Phở hai tô hay còn gọi là Phở khô. Món ăn được phục vụ trong hai tô. Một tô là nước dùng được chế từ nước luộc gà hoặc bò, tô còn lại là sợi phở dai mềm với hành khô.

Bạn cũng không nên bỏ qua món cơm lam gà nướng. Gà nướng có hương vị đậm đà vì được ướp kỹ lưỡng và nướng trên bếp lửa của dân tộc Tây Nguyên. Món này ăn kèm với cơm lam ống tre nướng. Sau khi tách ra ống tre, bạn sẽ cảm nhận hương thơm của tre và gạo hòa quyện vào nhau.

Một món ăn không kém phần thú vị và kén chọn thực khách chính là bún cua mắm. Món ăn có mùi nồng đặc trưng do nước lèo được ủ qua đêm. Nhưng hương vị thì chắc chắn sẽ không thể nào quên.

Nguồn: elle.vn